Kaka: Bóng đá là nhiệm vụ Chúa giao

Kaka tin rằng, anh được Chúa cứu sống và khiến cho đôi chân anh không bị liệt nên bóng đá trở thành nhiệm vụ của cuộc đời anh…

Người Brazil trên một tuyến đường khác

Với rất nhiều cầu thủ người Brazil, phần mở đầu những bài viết về họ thường là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc – “sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn và chơi bóng trên hè phố cùng chúng bạn, thể hiện khả năng vượt trội và được các CLB lớn để mắt”. Kaka lại nằm trong số cầu thủ không thuộc diện “mở bài” như vậy.

Sinh ra trong gia đình ở tầng lớp trung lưu nên Kaka – tên thật là Ricardo Izecson dos Santos Leite, được đảm bảo việc học và chơi bóng cùng lúc. Năm 7 tuổi, khi gia đình chuyển từ Gama tới Sao Paulo, Kaka được trường học sắp xếp chơi bóng cho CLB trẻ ở địa phương là Alphaville. Ở đó, CLB Sao Paulo phát hiện ra tài năng của Kaka và mời anh đến Học viện của họ.

Kaka trưởng thành ở đó cùng một sự kiện khiến anh, gia đình và nhiều người khác tưởng như sự nghiệp sẽ phải chấm dứt ngay khi mới bắt đầu. Năm 18 tuổi, Kaka bị gãy xương cột sống sau tai nạn ở bể bơi, khiến sự nghiệp bị đe dọa.

Khi mối quan tâm của Kaka là liệu anh có thể chơi bóng được nữa không, vị bác sĩ điều trị cho Kaka thậm chí còn nói, anh còn sống là điều quá may mắn (Kaka còn bị đập đầu và cổ cũng tổn thương) nhưng có thể bị liệt…

Nhiệm vụ được Chúa giao cho

Nhưng điều thần kỳ là, Kaka bình phục rất nhanh. Kaka tin rằng, Chúa đã cứu rỗi anh để từ đó, anh luôn dành một phần thu nhập của mình để đóng góp cho nhà thờ.

“Tai nạn đó là một giai đoạn quan trọng trong đời tôi”, sau này Kaka kể lại, “Trong thời gian đó, một lần nữa tôi thấy Chúa ở bên mình. Sau 3 tháng, tôi bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp ở Sao Paulo. Đó là một nhiệm vụ. Tôi nghĩ bóng đá là nhiệm vụ của tôi”.

Đó là số phận mà Chúa dành cho anh, cũng tương tự như việc biệt danh Kaka (lúc đầu là Caca) do cậu em Rodrigo đặt cho đã gắn liền với anh trong thế giới bóng đá cũng như cuộc sống. Hẳn rất nhiều người chưa quên hình ảnh Kaka ăn mừng chức vô địch Champions League năm 2007 với với chiếc áo có in dòng chữ ‘Tôi thuộc về Chúa’.

Chỉ vài tháng sau tai nạn, tháng 2/2001, Sao Paulo dành cho Kaka trận đấu ra mắt. Ngay trong mùa giải đầu tiên, chàng trai trẻ ghi 12 bàn trong 27 lần ra sân, góp phần giúp CLB giành Torneio Rio-Sao Paulo. Đáng chú ý nhất là 2 bàn thắng trong 2 phút sau khi vào sân từ ghế dự bị ở trận chung kết với Botafogo.

2 mùa ở Sao Paulo, hiệu suất ghi bàn của Kaka gần như trung bình 2 trận/bàn (58 trận/23 bàn) dù chơi ở vị trí tiền vệ tấn công.

Năm 2003, Kaka tới AC Milan với chi phí 8,5 triệu bảng mà ông chủ Silvio Berlusconi coi đó là một “món hời”. Ông đã đúng khi 4 năm ở sân San Siro, Kaka là tất cả những gì mà mọi người mong đợi. Chỉ mất 1 tháng để Kaka 21 tuổi giành được suất đá chính giữa những ngôi sao hàng đầu như Rui Costa, Andrea Pirlo, Andriy Shevchenko, Filippo Inzaghi…

Không ngẫu hứng như Ronaldinho, không kỹ thuật kiểu Ronaldo, cũng không hoang dại theo phong cách Brazil truyền thống, Kaka thực sự là một sản phẩm kiểu mẫu, được đào tạo chỉn chu cả về chuyên môn lẫn văn hóa. Về chuyên môn, anh là sự pha trộn giữa Nam Mỹ và châu Âu, với sự kết hợp của kỹ thuật, khả năng phán đoán và đưa ra quyết định chính xác, khi uyển chuyển, lúc mạnh mẽ…

Ngoài đời, Kaka không uống rượu hay chạy theo phụ nữ. Anh tiết lộ rằng bản thân đã giữ sự “trong sáng” của mình cho đến khi cưới cô bạn thanh mai trúc mã, Caroline Celio vào năm 2005.

Từng là nhà vô địch thế giới năm 2002 nhưng 2007 mới là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Kaka. Năm đó, màn trình diễn xuất sắc ở Champions League giúp AC Milan vô địch và bản thân anh cũng giành giải Vua phá lưới. Kaka được cả France Football, FIFA và Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp trao danh hiệu cá nhân, chưa kể hàng loạt giải thưởng khác.

Sau khi giành Quả bóng vàng năm 2007, Kaka lên chuyến bay sớm nhất về Sao Paulo, về với người dân nơi đây, thay vì đắm chìm trong champagne…

Tài năng của Kaka, hãy tổng hợp theo cách đơn giản thế này: HLV Carlo Ancelotti gọi anh là “Michel Platini mới, Pele ví anh như “Johan Cruyff mới”, huyền thoại Brazil Socrates ví anh với Zico, còn Zinedine Zidane gọi anh là “một tài năng hiếm hoi”.

Trong thế giới bóng đá đang bị bao phủ bởi truyền thông và mạng xã hội, có lẽ không nhiều người nhớ Kaka chính là người cuối cùng giành danh hiệu Quả bóng vàng trước khi Lionel Messi và Cristiano Ronaldo thay nhau thống trị.

Đoạn cuối thăng trầm

“Tôi nhớ mãi chuyện chúng tôi đã chơi tệ thế nào khi Kaka rời Milan. Trong 2 hoặc 3 năm, cậu ấy là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Các đội bóng không biết làm thế nào để dừng cậu ấy lại”, Pirlo chia sẻ về chuyện Kaka rời AC Milan sang Real Madrid.

Được Manchester City mời mọc với mức lương 500.000 bảng/tuần nhưng Kaka lại chọn sang Real Madrid. Đến sân Bernabeu cùng Ronaldo ở thời điểm trưởng thành nhất của sự nghiệp – 27 tuổi, lẽ ra sự nghiệp của Kaka phải tiến thêm một nấc thang nữa thì ngược lại, những khó khăn ập đến.

1 năm sau khi tới Bernabeu, Kaka phải phẫu thuật chấn thương đầu gối và phải nghỉ 6 tháng. Khi trở lại, HLV Jose Mourinho là trở ngại thứ hai. “Vấn đề của tôi tại Madrid đầu tiên là tính liên tục và sau đó là HLV. Tôi dành 3 năm để cố gắng thuyết phục Mourinho rằng tôi nên có nhiều cơ hội hơn. Nhưng đó là lựa chọn của ông ấy, mọi thứ không trong tầm kiểm soát của tôi”, Kaka chia sẻ hồi tháng 12/2018 – 1 năm sau khi anh giải nghệ.

Nói một cách hình ảnh, “Thiên thần” và “Ác quỷ” hẳn nhiên khó có thể song hành…

Tháng 12/2017, Kaka tuyên bố giải nghệ sau thời gian trở lại AC Milan, rồi sang Mỹ đá cho Orlando City và Sao Paulo (cho mượn).

Hôm nay, 22/4, là sinh nhật thứ 38 của Kaka nhưng bên anh không còn là Caroline nữa. Trước khi giải nghệ 2 năm, Kaka và Caroline ly hôn sau 9 năm chung sống. Vì chuyện gì thì cũng là vấn đề riêng của họ, để giờ mỗi người đều đã có cuộc sống riêng. Chỉ giới hâm mộ tiếc nuối cho tình yêu đẹp của họ.

Bài viết cùng chuyên mục